Thăm “Vương quốc” đá quý

Làm tranh đá quý tại thị trấn Yên Thế (Lục Yên).
YBĐT - Ngoài tấm biển “Chợ đá quý huyện Lục Yên” được treo trên cổng phía trục đường chính thì không có một dấu hiệu nào cho khách vãng lai biết được đây là nơi hằng ngày diễn ra các “thương vụ” của dân buôn đá. Chợ đá quý họp vào lúc 7 giờ sáng và kết thúc sau khoảng 3 tiếng. Gọi là chợ nhưng đếm đi đếm lại chỉ có hơn chục “quầy hàng” với độ ba, bốn chục người cả mua lẫn bán. Mỗi quầy chỉ đơn giản là một bàn gỗ con, trên bày la liệt các loại đá quý.


Bãi đá và những số phận con người

Cơn bão đá đỏ đầu thập niên 90 ở Lục Yên đã mang lại cho người dân nơi đây nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhiều người đã giàu lên trông thấy hoặc “đổi đời” nhanh chóng. Ngược lại, nó cũng mang đến những tệ nạn xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Dân - một người gắn bó lâu năm với đá quý, bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về chuyện những người đi làm đá quý bị đá vôi đè bại liệt, tàn phế suốt đời; kể về những người làm thuê bị sập hầm không tìm thấy xác; kể về những câu chuyện “sáng tay trắng đi làm thuê, chiều về thành triệu phú” của nhiều người trong vùng; và ông cũng kể về cái “nghiện” của những người làm đá, dường như ai cũng có trong lòng một ham muốn tột cùng, một thôi thúc mãnh liệt tìm đến đá quý, bất chấp mối nguy hiểm vẫn cận kề...

Tại Lục Yên hiện chỉ còn có một số mỏ đá được khai thác với quy mô nhỏ. Đá quý có giá trị thì thi thoảng lắm mới xuất hiện. Loại còn lại được khai thác nhiều nhất là “đá gốc”, đây là loại đá trắng được sử dụng cho việc làm tranh đá. Lẫn trong đá gốc thường là mảnh tinh thể đá đủ các màu xanh, đỏ rất đẹp. Hiện đang tồn tại một “đội quân mót đá” với số lượng khá đông người.

Sở dĩ gọi là “đội quân mót đá” vì họ sống nhờ phần đá rơi vãi từ các bãi khai thác đá trên đỉnh núi - nơi các nhóm dân khai thác tự phát san gạt một bãi đất trống, sau đó cho nổ mìn lấy đá. Ngoài phần chính được khai thác tại bãi, do sức nổ của mìn mà nhiều tảng đá lớn khác lăn xuống và trở thành nguồn sống cho dân mót đá. Ngoài tốp làm nghề mót đá, bãi đá còn là nơi mưu sinh của hàng chục gia đình người Dao làm nghề chuyển đá thuê.

Sau khi nhận việc, bà con chỉ dùng gùi, tay không hoặc dùng các cây gỗ làm con lăn để di chuyển đá. Có những tảng đá lớn, trọng lượng hàng tấn, có khi lên tới vài tấn cũng được thuê chuyển bằng cách thủ công như vậy trong nhiều ngày trời và giá vận chuyển còn đắt hơn tiền mua đá. Cứ khoảng 4 - 5 giờ chiều, sau đợt nổ mìn cuối cùng, vài tảng đá sót ở bãi Mây lăn ầm ầm xuống. Được một lúc, khi thấy tình hình yên ắng, đội quân mót đá tràn ngay lên triền núi, tay mang theo túi nilon, búa to, búa nhỏ và bắt đầu tìm kiếm vận may của mình. Gõ, đập đến nhừ tay, mồ hôi đẫm áo... tất cả đều tất tưởi cho cuộc mưu sinh.

Chợ đá quý

Một góc chợ đá quý ở thị trấn Yên Thế (Lục Yên).

Chợ đá quý được hình thành từ năm 1995. Sự nhộn nhịp của nó cũng được thay đổi theo thời gian, thay đổi theo những thăng trầm của nghề làm đá.

Ngoài tấm biển “Chợ đá quý huyện Lục Yên” được treo trên cổng phía trục đường chính thì không có một dấu hiệu nào cho khách vãng lai biết được đây là nơi hằng ngày diễn ra các “thương vụ” của dân buôn đá. Chợ đá quý họp vào lúc 7 giờ sáng và kết thúc sau khoảng 3 tiếng. Gọi là chợ nhưng đếm đi đếm lại chỉ có hơn chục “quầy hàng” với độ ba, bốn chục người cả mua lẫn bán. Mỗi quầy chỉ đơn giản là một bàn gỗ con, trên bày la liệt các loại đá quý.

Hàng được giao dịch tại chợ đá quý khá đa dạng: từ những viên đá rubi vài triệu đồng đến những viên rubi “mắt tôm” (loại chỉ có thể dùng làm tranh) hoặc facetted (mài cạnh) giá khoảng 2 triệu đồng/kg. Chợ bán cả hai loại là đá gia công chế tác và đá thô nguyên dạng được khai thác từ các bãi. Đá đã gia công đa phần đã qua mài giũa theo kiểu cabochon (mài nhẵn) hoặc facetted (mài cạnh) theo các hình khối thích hợp để làm mặt nhẫn, hoa tai...

Vật bất ly thân với người đi chợ đá quý là một chiếc đèn pin được lắp một loại bóng đèn đặc biệt để soi kiểm tra đá. Được biết, trong khoảng dăm năm trở lại đây, ở Lục Yên hầu như không xuất hiện những viên đá có giá trị lớn mà chỉ có những viên “tầm tầm”. Trên thực tế những viên đá được đem ra giao dịch tại chợ đá quý Lục Yên có giá cao nhất cũng chỉ vào khoảng 5 – 7 triệu đồng. Chợ chỉ được coi như nơi để gặp gỡ, trao đổi thông tin...

Tranh đá quý – nghệ thuật của nghệ thuật

Tranh đá quý Lục Yên hiện nay đã trở thành một trong những sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường trong nước. Đây là loại tranh được làm từ 100% nguyên liệu đá quý của Lục Yên nên có màu sắc rất đẹp, được nhiều khách hàng ưa thích.

Tại một cơ sở chế tác tranh, chúng tôi thật sự bất ngờ và choáng ngợp bởi những bức tranh cỡ lớn được làm từ nguyên liệu đá quý với nhiều chủng loại, đa dạng về đề tài và màu sắc. Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ việc sơ chế đá, chuốt đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá... đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Bột đá và keo 502 (keo Con Voi) là hai chất liệu chủ yếu.

Sau khi hoạ sỹ vẽ mẫu bằng bút chì hay phấn mầu trên tấm gỗ hay phóc-mi-ca, các nghệ nhân theo đó mà rắc đá, bột đá với độ mầu chuẩn xác để tạo hình, rồi nhỏ keo cho kết dính đá lại. Phía dưới đá mầu luôn có một lớp bột đá cẩm thạch làm nền để cho tranh vừa bền chắc vừa khỏa lấp những khiếm khuyết. Cái khó nhất trong làm tranh đá quý là những viên đá mầu li ti làm sao dệt nên những hình ảnh sinh động, có thần thái riêng biệt, trở thành những tác phẩm nghệ thuật đích thực không phải chỉ đơn thuần là những mảnh ghép vô hồn... Trung bình 2-3 ngày mới hoàn thành một bức tranh đá quý khổ nhỏ, còn đối với những bức tranh cỡ lớn, nhiều hoạ tiết thì có khi phải mất cả tuần.

Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hoà giữa ý tưởng phối cảnh của người họạ sỹ với đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân ghép đá, chăm chút công phu từng họa tiết. Hiện nay tại làng tranh Lục Yên có gần 50 cơ sở sản xuất tranh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế. Dù mới hình thành chỉ vài năm nhưng làng tranh đá quý này hiện đang không ngừng cải tiến để phát triển.

Vĩ thanh

Tiếng máy khoan rít lên từng chập khi chạm vào những viên đá tại một xưởng tinh chế đá gốc khu vực thị trấn Yên Thế khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự hối hả, vất vả của những người đã, đang và còn tiếp tục theo nghề đá. Hướng đi mới đã có, đó là những sản phẩm làm ra từ đá quý thực thực sự đã trở thành hàng hoá, thậm chí hàng hoá có thương hiệu. Tuy vậy, mọi thứ dường như vẫn đang trong tầm tự phát của các cơ sở, các doanh nghiệp vừa và nhỏ?!