Gửi em ở cuối sông hồng

1. Dương Soái vừa tự hào lại vừa chạnh lòng với cái việc lúc nào người ta cũng chỉ biết tới anh như là tác giả có duy nhất một bài thơ bất hủ "Gửi em ở cuối sông Hồng". Bài thơ-hát "kinh điển" về dòng sông Mẹ của nền văn minh sông Hồng ấy hình như nước Việt ta ai cũng thuộc cả:

"Anh ở biên cương,
nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
ở nơi đây mùa này con nước,
lắng phù sa in bóng đôi bờ.
Anh ở biên cương,
biết là em năm ngóng tháng chờ.
Cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước,
nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt,
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong".

Dẫu cái tên Dương Soái rất... tướng soái, lại thêm việc anh "chết danh" với hình ảnh anh lính trận mạc nhớ người yêu ở đầu ngọn sông Hồng, thế cho nên ai cũng tưởng Dương Soái một đời là lính chiến, bỗng một ngày nổi hứng xé vỏ bao thuốc lá làm một bài thơ rồi... lẳng lặng bẻ bút. Một phần cho sự lầm tưởng ấy là nữa: Dương Soái rất ít nói. Anh muốn đóng khung treo lên nơi trang trọng nhất rồi tạm quên đi cái vinh quang của một bài thơ mà anh đã viết từ hơn một phần tư thế kỉ trước. Để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo những mùa vàng hơn thế. Anh vẫn làm thơ, sáng tác nhạc, kịch, truyện ngắn; giờ vẫn là đương kim Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái.

2. Thật ra thì Dương Soái vốn là công nhân địa chất, với lí lịch 11 năm mưa dầm cơm vắt "tiến vào rừng sâu làm giàu cho tổ quốc" - đi tìm quặng. Cái mỏ quặng sắt mà anh cùng đồng đội tìm ra, nghe nói nó gồm triệu triệu tấn, lớn thứ nhì Việt Nam, chỉ bé hơn có nhõn mỏ sắt Thạch Khê trong Hà Tĩnh thôi. Cái từ trường nào đó của biển sắt trong lòng đất ấy đã khiến các bác lái máy bay trên trời mấy phen hoảng hồn: vì khi bay qua vùng "vàng thoi bạc nén" ấy, sóng vô tuyến gì gì của tàu bay cũng nhiễu hết cả! Riêng anh, 11 năm ấy, anh "cũng kiếm được khoảng 30 bài thơ". Những câu thơ lấp lánh như vàng ròng trong cái mỏ sắt, mỏ đồng vùng Hoàng Liên Sơn (cũ): đời anh "Y tá địa chất" (tên bài thơ của Dương Soái) nay đây mai đó "Những bắp tay xắn trần võ đi cuồn cuộn", giữa rừng rú "Nhà ở tạm thôi nên phải rộng tầm nhìn/ Biết chắn gió đông, giành tia nắng sớm" (ở bài khác của anh, cũng có những câu tương tự về vùng mỏ: "Cánh chim sập nắng, đỉnh đèo mọc lên") để tiếp tục "Theo đoàn người đi mở cửa núi non/ Cho đất nước hồng hào công nghiệp".

Tôi thích những vần thơ lãng mạn hơn cả tình yêu của chàng trai địa chất Dương Soái, khi cậu mới 23 tuổi (sáng tác năm 1973). Có lẽ phải những người thích tiêu sài thời gian bằng những kỷ nguyêni, những ngàn triệu năm thì mới hiểu thấu tâm trạng của kẻ đi tìm dấu chân tiến hóa của quả đất tự thuở hồng hoang:

"Nơi mở ra bát ngát những cánh đồng
Nơi khe nước rỉ luồn cũng là nguồn của một dòng sông

(...)

Nơi thương đau mà ngàn năm về trước
Trắng xương ai tìm châu báu ngọc ngà.

(...)

Nơi thời gian dẫn ta đi xa
Gặp lại không gian những kỉ nguyên
thuở trước

(...)

Đây hòn than in đậm nét lá cây
Ba trăm triệu năm bát ngát đầm dương xỉ
Và đây con thằn lằn bay gợi nhiều nỗi nhớ
Hóa đá rồi vẫn vỗ cánh thời gian...".

(Bài "Đất lạ")

Sau 11 năm trò chuyện với từng vỉa tầng quả đất vừa già nua và tươi mới, Dương Soái làm phóng viên chiến trường trên mặt trận biên giới Lào Cai, hồi tháng 2 năm 1979. Anh đi gần như trọn vẹn cuộc chiến tranh biên giới vùng Lào Cai, tận mắt nhìn thấy "đầu rơi máu chảy" theo đúng nghĩa đen. Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" đã bật ra từ thảm cảnh chiến tranh đó.

Và Dương Soái đã không lầm khi anh tiếp tục khai vỉa quặng trữ tình Yên Bái bằng bài tỉnh ca "Yên Bái - một vùng quê" (nhạc và lời Dương Soái:

"Anh sẽ cùng em vào thăm Nghĩa Lộ
Nhập nối vòng xoè Thanh Lương thương nhớ

(...)

Về quê em trinh trắng mùa ban
Về quê em rượu cần hương nếp
Về quê em trăng vàng dát bạc
Về quê em trăng giỡn giữa dòng Thia".

3. Trở lại với "Gửi em ở cuối sông Hồng". Thật khó hình dung, bài thơ được sáng tác từ bối cảnh cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch trong chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến đau lòng tới mức, cứ nhắc cụm từ "Tháng hai bảy chín" là ai nấy lặng đi, Dương Soái cũng lặng đi. Anh tẩn mẩn đi lục tìm những bản thảo viết tay trên những vuông giấy nâu xám một thời. Chữ anh viết bằng bút mực xiên xiên, nhi nhít gạch xoá. Đó là phóng sự tường thuật trực tiếp từ chiến trường máu lửa "một mất một còn" hồi "tháng hai bảy chín".

Dương Soái kể:

"Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra. Tôi nhận lệnh của lãnh đạo vào chiến dịch "tường thuật nóng"! Tôi đi ngược lên biên giới, gặp những đoàn người sơ tán, họ đi trùng trùng với nỗi hoang mang khủng khiếp! Những hình ảnh không bao giờ tôi quên được: thỉnh thoảng pháo địch lại nã trúng đoàn người chạy đạn. Vài người chết. Đoàn người càng táo tác. Họ dắt díu nhau chạy xuôi vào nội địa, cũng chẳng biết sẽ đi đến đâu. Có người vai đeo súng trường, máu trên người vẫn xối xả, ròng ròng. Họ vẫn cứ đi. Chợt tôi gặp tiểu đoàn bộ đội vừa quần nhau với giặc trở ra. Họ gặp nhau, ai cũng xuýt xoa: "Tao tưởng mày chết rồi". Vài người khóc, rồi tất cả cùng khóc. Bộ đội mình hy sinh nhiều quá, có đơn vị gần hết... quân số. Gặp nhà báo, anh em chỉ nhờ mỗi việc: anh viết bài, nhớ báo tin cho gia đình, đồng đội là chúng em vẫn còn sống. Chúng em không thể lui về tuyến sau được giữa lúc tổ quốc lâm nguy này. Em còn thì biên giới mình vẫn còn. Nhiều người mượn tôi cái bút viết thư cho gia đình. Có người viết vài dòng rồi đề địa chỉ gia đình, người yêu vào cuối lá thư rồi nhét vào tay tôi nhờ tôi kiếm phong bì, ghi địa chỉ, bỏ thư vào thùng hộ. Có người chỉ đưa mỗi tên hòm thư người thân rồi bảo: "Anh viết hộ em mấy dòng. Chỉ cần nói rằng em vẫn sống!". Có người viết thư cũng chỉ với mong muốn, cần gửi những dòng chữ cuối cùng của mình về tới gia đình! Tôi đã khóc và mỗi lúc nhớ đến chuyện này tôi lại muốn khóc.

Tôi đi gửi đầy một thùng thư cho anh em lính trẻ. Có anh bảo vệ đài truyền thanh bị pháo tiện đứt hai rẻ xương sườn. Có anh dân quân bị mảnh pháo bắn bay văng mất gót chân, anh vẫn hướng dẫn bà con sơ tán, mỗi bước chân một bước đỏ loang toàn máu. Có đơn vị, tôi vừa hoàn thành chương trình, giọng anh lính trẻ phát biểu hồn nhiên trên đài xong thì cũng là đồng đội cấp báo: chính anh ấy đã hi sinh!

Giữa hai trận đánh, anh ngồi trong căn nhà lá ở Phố Lu (là nhà khách của huyện) và làm... thơ. Anh viết trong tâm trạng của một người mong manh sinh tử ngoài mặt trận, muốn gửi tình yêu thương tha thiết ấy về với người hậu phương. Trong tâm trạng của một người yêu gửi một người yêu (thực tế, lúc bấy giờ, người vợ trẻ và gia đình Dương Soái cũng đang ở Duy Tiên , Hà Nam - ở cuối sông Hồng). Anh viết, khi anh nhớ tới những lá thư viết vội, viết dở, hoặc không kịp viết gì của những người lính trẻ ngoài mặt trận bỏng rát kia. Thế nên, có những câu thơ, nhiều người vui tính bảo hơi "khát máu", cũng là vì thế (xin phân biệt, khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, lời bài thơ có một số thay đổi, sau đây là phần thơ):

"Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi Lào Cai trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng, anh giữ ngọn nguồn sông!

(...)

Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng".

"Rùng rợn" nhất là những dòng cuối bài thơ: "Nếu gặp dòng sông ngầu lên sắc đỏ" (máu giặc), "qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh!". Bài thơ hay bởi sự chân thành và tính trữ tình của nó. "Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt/ anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi mong em". Cái cảnh "Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ"; rồi cảnh "Anh ở đầu sông em cuối sông/ Sống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông", từ cổ xưa đến giờ, bao giờ cũng lãng mạn như thế.

4. Dương Soái trăn trở nhiều với thơ. Cho nên, cái buổi sáng nghe cô bạn bên trường sư phạm nói: "Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" của anh được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát hay lắm", Dương Thuấn đã rất phấn chấn. Đó là vào năm 1980. Từ đó, tên Dương Thuấn đã thêm một lần đóng đinh với "Gửi em ở cuối sông Hồng", nhất là trong cái góc làng văn nghệ vốn vẫn lặng lặng với mây núi Hoàng Liên Sơn, nơi anh sống và công tác. Độ ấy, cũng lạ, liên tục thính giả yêu cầu nhà đài phát lại bà "Gửi em ở cuối sông Hồng", thế là anh liên tục được nghe những ca từ trữ tình thì trữ tình thật, song có cả máu, cả nước mắt của mình. Không ngờ khoảng một năm sau, anh Sum, người Mường, Giám đốc nhà máy Thủy điện Thác Bà, Yên Bái (thủy điện đầu tiên ở Việt Nam) gọi điện mời Dương Soái tới nhà uống rượu. "Có khách đặc biệt"! Dương Soái đến, mới ngã ngửa ra, khách là vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến. Vừa lên nghỉ mát du thám lòng hồ Thác Bà, nhạc sĩ Thuận Yến nóng lòng hỏi ngay địa chỉ thi sĩ Dương Soái để cảm ơn và nói lời tri kỉ. Lần đầu tiên hai tác giả "Gửi em ở cuối sông Hồng" gặp nhau và uống rượu. Nhạc sĩ trân trọng và chu đáo vô cùng với tác giả bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng".

Bây giờ, ngồi bàn lại câu chuyện "Gửi em ở cuối sông Hồng", Dương Soái thầm cảm ơn nhạc sĩ Thuận Yến, người đã nhuận sắc cho bài thơ được đi vào lòng người yêu thơ, yêu nhạc. Rằng, thơ Dương Soái viết "Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", đấy là cái tình rất cụ thể của người chiến sĩ ở mặt trận Lào Cai bỏng lửa năm 1979, nhưng khi ông Thuận Yến phổ nhạc: "Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", tự dưng bài thơ phổ quát hơn, thơ bay rộng hơn trên khắp dải biên cương từ địa đầu Lũng Cú tới cực mũi Cà Mau. Hình như có những nhiều "hạt sạn" vui vui, và tính cục bộ trong một cuộc chiến ở một vùng phên giậu trong bài thơ đã được Thuận Yến "sửa sang" rất kĩ. Đến những đoạn như sau trong bài hát thì hoàn toàn không phải là của Dương Soái:

"Em ở phương xa
nơi con sông Hồng chảy về với biển
ở trên anh đầu nguồn biên giới
Cuối dòng sông nơi ấy em chờ.
Em ở phương xa
cách mười sông ba núi bốn đèo".

Nhưng, cũng có những câu thơ hay nguyên bản của Dương Soái mà những người chỉ nghe nhạc thôi sẽ chưa có dịp được thưởng thức, khi người lính từ trên chốt chiến đấu xuống mặt nước "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", chàng ước ao:

"Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc là em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông".
Những câu thơ ấy đẹp và da diết đến day dứt lòng.