Thác Bà - Đất lành chim đã trở về!

Đất lành, chim đã trở về
YBĐT - ...Cách đây vài năm, từng đàn cò trắng đã về sinh sống trên hồ với số lượng vài nghìn con. Những chú cò lội bì bõm bên mép hồ Thác Bà (Yên Bái) hay chao lượn từng đàn lớn trên mặt nước hồ xanh thẳm, thực sự tạo ấn tượng bất ngờ, thích thú cho du khách...

Du khách tham quan hồ Thác Bà không chỉ được chiêm ngưỡng thuỷ điện Thác Bà; sự lung linh huyền ảo của động Thuỷ Tiên, động Xuân Long và tìm hiểu nét văn hoá truyền thống đặc sắc của cư dân ven hồ..., hơn thế, họ còn được ngắm những cánh cò trắng chao nghiêng trên mặt hồ, rất thơ mộng và thanh bình.

Ông Hà Chiến – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Yên Bình: Để bảo vệ đàn cò, Chi cục Kiểm lâm Yên Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân; phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt các loại vũ khí quân dụng, đồng thời nghiêm cấm việc săn bắn trên vùng hồ. Về lâu dài, phải tiến hành xây dựng các mô hình rừng trồng bền vững, để cò có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ đàn cò nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung, kiến nghị tỉnh và trung ương có chế tài quản lý chim, thú, chứ không riêng động vật quý hiếm như hiện nay.

Được ví là “Hạ Long trên núi”, với tổng diện tích trên 23 ngàn ha, trong đó có trên 19.000 ha mặt nước và 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, Thác Bà có một hệ sinh thái vô cùng phong phú. Dưới nước, tôm cá tung tăng bơi lội từng đàn, nhiều đến nỗi đến mùa cá vật đẻ như trâu đằm. Thuỷ sản là nguồn sinh sống của hàng ngàn hộ dân ven hồ với sản lượng đánh bắt hàng năm lên đến hàng nghìn tấn. Trên bờ, thực vật phát triển phong phú, với nhiều loài cây quí hiếm, động vật hoang dã như: lợn rừng, báo, hươu, nai, cầy cáo... cũng chọn nơi đây là nơi trú ngụ. Đáng tiếc, sau nhiều năm khai thác theo kiểu huỷ diệt, hệ sinh thái trên hồ bị xâm hại nghiêm trọng, nguồn lợi về kinh tế trên hồ cũng dần cạn kiệt.

Xác định giá trị to lớn mà hồ Thác Bà mang lại, những năm gần đây, tỉnh và huyện Yên Bình đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm bảo tồn phát huy, khai thác thế mạnh của hồ Thác. Từ việc giao đất giao rừng, những hòn đảo đã xanh trở lại. Cùng với việc thả cá giống, do tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý mà việc khai thác theo kiểu huỷ diệt như: đánh mìn, xung điện, lưới vét… đã giảm.

Ông Vũ Phúc Thịnh - lái tàu khách du lịch trên hồ Thác Bà Thường xuyên đưa khách đến các điểm du lịch, tôi thấy du khách rất thích thú khi chứng kiến những đàn cò trắng chao lượn trên mặt nước hay kiếm ăn trên hồ. Theo tôi, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có những biện pháp cấp bách và lâu dài để bảo vệ đàn cò.

Sinh thái trên hồ tốt hơn là điều kiện để các các loài cá, chim thú có cơ hội quay về sinh sống, trong đó có loài cò trắng. Cách đây vài năm, từng đàn cò trắng đã về sinh sống trên hồ với số lượng vài nghìn con. Những chú cò lội bì bõm bên mép hồ, hay chao lượn từng đàn lớn trên mặt nước hồ xanh thẳm, thực sự tạo ấn tượng bất ngờ, thích thú cho du khách.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là cò về, hồ Thác Bà lại là địa điểm tụ tập của những thợ săn vì nhiều người đã coi việc săn bắn chim thú là thú vui, dùng súng hơi, súng thể thao, bẫy... để săn bắn triệt hạ đàn cò một cách không thương tiếc. Buồn hơn, trong đó có nhiều thợ săn là cán bộ, công chức, viên chức!

Hồ Thác đất lành, chim trời đã trở về! Bảo vệ đàn cò, để đàn cò là một yếu tố trong phát triển du lịch, bảo vệ sinh thái trên hồ Thác là vấn đề đặt ra cấp thiết đối với các cơ quan quản lý, cũng như người dân địa phương!

P.V