Nghĩa Lộ xưa và nay

Khu di tích lịch sử văn hóa Căng Đồn - Nghĩa Lộ trong những ngày lễ lớn của dân tộc. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Nhiều người nhận xét, Nghĩa Lộ nay gấp mấy chục lần xưa. Chẳng dám so sánh xa xôi, xin bắt đầu từ năm 1990 với 4 nét cơ bản là “điện, đường, trường, trạm”.

Chút nắng vàng cuối thu sót lại làm ánh lên tượng đài chiến thắng giữa lòng thị xã, Nhà bia lưu danh 408 liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho quê hương, đất nước nở hoa độc lập trong đó có liệt sỹ, nhạc sỹ Đinh Nhu - tác giả của bài hát nổi tiếng “Cùng nhau đi hùng binh”. Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ như một minh chứng lịch sử khắc ghi hào khí đấu tranh cách mạng của những con người đất Nghĩa anh hùng trong kháng chiến, năng động trong xây dựng quê hương mới.

Lịch sử hào hùng

Lịch sử Đảng bộ Nghĩa Lộ đã ghi: Năm 1944 thực dân Pháp kéo quân vào xây dựng Căng và Đồn Nghĩa Lộ để giam giữ tù chính trị chuyển từ căng Bá Vân (Thái Nguyên) về và lập mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Sông Đà nuôi dưỡng cuộc chiến tranh xâm lược. Không ngăn được dòng thác cách mạng, ngày 17-3-1945, tù chính trị bị giam giữ tại đây nổi dậy phá Căng. Bạo động không thành, 9 đồng chí bị thực dân Pháp bắn chết rồi chôn chung một hố trong đó có liệt sỹ, nhạc sỹ Đinh Nhu, 11 người chạy thoát và trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào đấu tranh sau này.

Đầu tháng 10-1951, bộ đội chủ lực mở chiến dịch Lý Thường Kiệt tấn công đồn bốt Nghĩa Lộ nhưng không thành. Sau chiến dịch 1951, địch bố trí Phân khu Nghĩa Lộ thành 2 cứ điểm là đồn Pú Trạng (Nghĩa Lộ đồi có 300 quân) và đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố có 500 quân đồn trú) rất kiên cố. Mỗi cứ điểm có 1 đại bác 105mm, 5 súng cối 60 và 81 ly, nhiều trọng liên, đại liên và trung liên. Hai cứ điểm lại gần nhau có thể chi viện cho nhau cả về hoả lực và sung lực đồng thời địch có thể chi viện quân dù rất tốt vì có sân bay.

Ngày 13-10-1952, Đại đoàn quân Tiên Phong tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ. Trung đoàn 88, 102 theo đường Đại Bục, Khau Vác vào vị trí xuất phát tấn công Nghĩa Lộ. Ba tiểu đoàn bộ binh 18, 19, 322 bao vây Nghĩa Lộ ở phía nam, phía bắc và chiếm lĩnh các vị trí cao ở các ngọn núi phía đông và bắc. Trước đó, Đại đội 86 và du kích các xã phục kích đánh quấy rối địch, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm cho bộ đội và lực lượng dân công hoả tuyến sẵn sàng lên đường.

Sáng 17-10-1952, toàn bộ lực lượng đã sẵn sàng trên trận địa. Các đơn vị của Sư 312, 316 cũng đã tiến sát các đồn Sài Lương, Gia Hội, Tú Lệ, Ca Vịnh, Cửa Nhì để cùng nổ súng.

Cụ Hoàng Đình Vị, 80 tuổi, tổ 1, phường Pú Trạng, nguyên là cán bộ Bưu điện tỉnh Yên Bái điều vào Nghĩa Lộ năm 1948, kể lại: Cụ được lệnh dẫn một đơn vị bộ đội vào đánh từ phía sau đồi Pú Trạng. 16h 17-10-1952, bộ đội đã ém quân ở khu đồi Pú Lo, khu bản Tân, bản Ten và ngay chân Nhà máy nước. Lúc đó, một tiểu đội địch xuống lấy nước đã bị ta bắt sống trong đó có cả lính Pháp, có tên còn đang cởi trần.

17h15 phút ngày 17-10-1952, cối 120, 81, 57, ĐKZ, Bazoca của Trung đoàn 102 đồng loạt dội vào trung tâm Nghĩa Lộ đồi (kế hoạch là đánh Nghĩa Lộ đồi trước, sau đó đánh Nghĩa Lộ phố trong một đêm). Các tiểu đoàn bộ binh đánh thọc sâu vào trong tiêu diệt toàn bộ Phân khu Nghĩa Lộ với gần 400 tên địch, bắt sống 177 tên trong đó có thiếu tá (quan tư) Tia-ri-ông chỉ huy Phân khu.

3h sáng 18-10-1952, Trung đoàn 88 nổ súng đánh vào Nghĩa Lộ phố đến 8h sáng 45 tên bị tiêu diệt, 235 tên bị bắt, trong đó có tên đại úy Bác-be chỉ huy đội tăng viện, thu 2 khẩu đại bác 105mm, toàn bộ lực lượng địch ở Nghĩa Lộ đồn bị tiêu diệt. Đêm 18-10 quân ta tiếp tục tấn công vị trí Cửa Nhì, diệt và bắt gần 150 tên địch.

Góp phần làm nên chiến thắng, quân và dân Nghĩa Lộ đã tự nguyện ủng hộ 250 tấn gạo và hàng chục con trâu, bò, lợn đồng thời bất chấp nguy hiểm che chở giúp đỡ bộ đội chiến đấu. Nhiều người con trên mọi miền Tổ quốc và trên quê hương Nghĩa Lộ đã anh dũng hy sinh mà tên tuổi mãi mãi lưu danh. Chiến thắng giải phóng Nghĩa Lộ 1952 đập tan mắt xích quan trọng, mở toang cánh cửa thế chiến lược phòng thủ Sông Đà mở đường giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc.
Ghi nhận những chiến công và đóng góp của quân và dân Nghĩa Lộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, ngày 3-11-2004, Chủ tịch nước Trần Đức Anh đã ký Quyết định 826/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Nghĩa Lộ, nay là thị xã Nghĩa Lộ.

Tự hào đi lên

Nhiều người nhận xét, Nghĩa Lộ nay gấp mấy chục lần xưa. Chẳng dám so sánh xa xôi, xin bắt đầu từ năm 1990 với 4 nét cơ bản là “điện, đường, trường, trạm”.

Ông Đặng Nam Cát, năm nay đã 72 tuổi, nguyên Trưởng đài Truyền thanh từ năm 1983 - 1993, kể rằng: Thời tôi, dân Nghĩa Lộ vẫn thường nói “Điện ông Trâm, tăng âm ông Cát” (ông Cát là Trưởng Đài Truyền thanh, ông Trâm là Trạm trưởng Trạm Thủy nông quản lý Thủy điện Nậm Tăng). Thời ấy chưa có điện lưới quốc gia, duy nhất có Nhà máy Thủy điện 19/5 ở Pú Trạng bây giờ và Thủy điện Nậm Tăng thắp sáng cho khu thị trấn Nghĩa Lộ và dùng cho Đài chạy tăng âm nên hai ông “độc quyền” về điện và đài.

Còn nhớ mùa Giải bóng đá thế giới năm 1990, cả Nghĩa Lộ chỉ có Trạm Thủy nông ông Trâm là có điện và một chiếc ti vi Nep-tuyn, muốn xem phải thay nhau xoay cần ăng ten, vậy mà cả thị trấn cách đèn pin đổ xô đến xem như đi hội. Bây giờ hoàng hôn chưa kịp buông xuống thì đèn điện đã lung linh toả sáng đến từng ngõ xóm, bản làng, sóng phát thanh - truyền hình phủ kín cả vùng Mường Lò. Trung bình mỗi tháng Nghĩa Lộ tiêu thụ hơn 1,5 triệu kwh điện, doanh thu tiền điện một năm hơn 18 tỷ đồng.

Lại về đường. Trước năm 1995 duy nhất có hơn 1km từ cầu Thia đến Bến xe khách là đường được rải đá, còn lại toàn đường đất và đá cuội, nắng nhuộm bụi đỏ mưa bùn ngập đường, cưỡi chiếc xe đạp Thống Nhất mới đổi lợn cho cửa hàng thương nghiệp chưa được ba ngày thì ốc đĩa, ốc tanh đã rụng sạch, xe khách chạy ra Yên Bái mất gần ngày. Mùa mưa lũ, Nghĩa Lộ trở thành ốc đảo vì ô tô không đi qua được ngầm ngòi Thia. Hôm nay từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ chỉ hai giờ đồng hồ, cầu Thia, cầu Nung liền một dải huyết mạch, ô tô xe máy nối đuôi nhau trên 129km đường lớn, đường nhỏ ôm lấy Nghĩa Lộ như những dải lụa mềm, dạo quanh phố phường đất không bén quần.

Đường vào Nghĩa Lộ bên cánh đồng Mường Lò thẳng cánh cò bay.
(Ảnh: Thanh Miền)

Nói về trường. Thế hệ 7x đổ về trước còn nhớ rõ, Nghĩa Lộ duy nhất chỉ có một trường phổ thông cơ sở cấp I - II và trường cấp III, học trò trên dưới 300 em chưa bằng một phường bây giờ. Một em đỗ đại học xôn xao cả thị trấn. Hôm nay, 7/7 xã phường đều có trường ở ba cấp học, THPT có đến 4 trường với hơn 6.000 học sinh, lại có cả trung tâm dạy nghề nữa, vậy chẳng gấp đến cả 20 lần xưa!

Nói về trạm. Nghĩa Lộ xưa chỉ có một bệnh viện cỡ hai chục giường bệnh, dân bản ốm đâu là ngả lợn, gà, trâu, bò cúng “Giàng” cứu, đau bụng đi mua viên thuốc cũng khó, vậy mà qua hơn chục năm, xã, phường nào cũng đều có trạm y tế với trên 40 cán bộ y tế, mỗi trạm có một bác sỹ, 6/7 trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ trở thành bệnh viện tuyến 2 khám chữa bệnh cho toàn dân vùng phía tây của tỉnh với 200 giường bệnh, mỗi năm khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân. Ấy là chưa nói đến chi nhánh của Bệnh viện Hữu Nghị 103 và Trung tâm Y tế thị xã.

Trải qua những thay đổi của lịch sử. Nghĩa Lộ từ chỗ là trung tâm kinh tế - chính trị của châu Văn Chấn, của tỉnh Nghĩa Lộ, của huyện Văn Chấn rồi giờ là thị xã miền Tây của tỉnh, ở bất cứ thời kỳ nào, Nghĩa Lộ cũng đều thể hiện vai trò trung tâm đối với sự nghiệp chung của địa phương.

Từ khi được tái lập năm 1995 theo Nghị định 31/CP của Chính phủ, giai đoạn 1996 - 2000 thị xã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,6%/năm. Đến năm 2000, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đã chiếm 24,3%, thương mại - dịch vụ 55%, nông lâm nghiệp 20,7%. Thu nhập trên một ha đất canh tác đạt 27 triệu đồng. Đến giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 11,3%/năm; thu nhập bình quân tăng 1,6 lần so với năm 2000. Bình quân 3 năm 2006, 2007, 2008 tăng trưởng GDP đạt trên 14%, năm 2008 GDP bình quân đầu người đạt 7,8 triệu đồng.

Những con số ấy đã tạo cho phố núi Nghĩa Lộ một diện mạo mới, từ chợ Mường Lò, các cửa hàng, cửa hiệu dọc các tuyến đường từ cầu Thia đến đường Điện Biên, đường Thanh Niên, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai... đã hình thành các phố thương mại sầm uất của một đô thị đang trên đà phát triển.
Nghĩa Lộ ngày ấy, sục sôi khí thế hào hùng cách mạng - Nghĩa Lộ hôm nay khoác một tấm áo mới với vẻ đẹp hoành tráng của một đô thị đang trên đà phát triển mà vẫn giữ được bản sắc rất riêng của văn hóa Tây Bắc.

Mạc Khải